Trong thời đại số hóa và thông tin mở cửa, Gen Z - những người sinh từ giữa những năm 1997 đến đầu những năm 2000 - đang dần trở thành lực lượng lao động chính trên toàn cầu. Họ là "thổ dân" của không gian kỹ thuật số. Về tính cách, đây là một thế hệ cá tính, thích thể hiện bản thân. Họ có điều kiện tiếp cận khối lượng thông tin khổng lồ và sẵn sàng tham khảo chéo nhiều nguồn thông tin, tích hợp giữa trải nghiệm ảo với trải nghiệm thực tế.
Những đặc điểm này dần hình thành hành vi tiêu dùng sai lệch, không biết cách làm chủ đồng tiền của các bạn trẻ. Dưới đây là 5 sai lầm tài chính phổ biến mà nếu không sớm nhận ra và sửa đổi, Gen Z có thể sẽ tiếp tục “rỗng túi”.
Nhiều người trẻ thuộc thế hệ Z chọn cách sống theo phương châm “YOLO” - “You Only Live Once”, phản ánh quan điểm sống hết mình trong từng khoảnh khắc. Họ không ngần ngại chi tiêu mạnh tay cho những trải nghiệm và niềm vui tức thì, từ việc mua sắm, du lịch đến các hoạt động giải trí, bất chấp mức thu nhập khiêm tốn của những “tân binh” mới gia nhập thị trường lao động.
Thậm chí, việc sử dụng thẻ tín dụng để tiêu dùng trước và trả nợ sau đã trở thành một phần của lối sống này, dẫn đến tình trạng kiếm bao nhiêu tiêu bấy nhiêu để rồi chưa hết tháng đã hết tiền, sẵn sàng ăn mì gói vào cuối tháng và thậm chí rơi vào cảnh nợ nần khi biến cố ập đến.
Hay đối với các “tín đồ” mua sắm, những hình thức ưu đãi trực tiếp, có tính thanh khoản cao như freeship, hoàn tiền hay áp dụng các voucher giảm giá được đặc biệt ưa thích. Điều này thể hiện rõ qua hành vi “săn sale” mà không cân nhắc đến nhu cầu thực sự, dẫn đến tình trạng tủ đầy đồ nhưng ví lại trống rỗng.
Điều quan trọng là phải nhận thức được giá trị của việc mua sắm thông minh, không phải cứ giảm giá là nên mua. Một lối sống “healthy & balanced” bao gồm việc chi tiêu có ý thức, đầu tư vào sức khỏe, cũng như tìm kiếm sự cân bằng giữa việc tiết kiệm cho tương lai và chi tiêu cho hiện tại, sẽ giúp bạn tận hưởng cuộc sống mà vẫn đảm bảo an ninh tài chính.
Cũng là tiết kiệm nhưng hình thức tiết kiệm của Gen Z hiện đại “lạ” lắm. Khi các thế hệ ông bà đi trước tiết kiệm bằng cách mua nhà, mua đất, mua xe, mua vàng, đầu tư chứng khoán, cổ phiếu,...Thì bạn trẻ ngày nay lựa chọn thức đêm săn deal giảm giá, freeship voucher để tiết kiệm. “Chi tiêu như mày có ngày cạp đất mà ăn", "Tiêu tiền như nước xong cuối tháng lại xin tiền mẹ", “Tiền mày làm đi đâu hết rồi hả con”, ... là những lời phê bình mà họ phải nghe đến phát ngán từ các bậc cha mẹ.
Việc lười tiết kiệm còn xảy ra phổ biến trong mua hàng online hay trong mùa săn sale. Lúc này Gen X, Y sẽ cày 7749 video review cùng hàng ngàn bình luận đánh giá trước khi quyết định chốt đơn dựa trên các tiêu chí như công dụng, lợi ích cho sức khỏe, hay các yếu tố khác. Ngược lại, Gen Z có xu hướng chốt deal nhanh chóng: chưa có - chốt đơn! đẹp - chốt đơn! lười vác xác ra đường - chốt đơn! và hơn hết là tham gia nhiệt tình vào cuộc đua giành giật voucher giảm giá mà chỉ “tay nhanh hơn não” mới có thể chiến thắng.
Trái ngược với các thế hệ trước luôn nỗ lực tích lũy để nghỉ hưu sớm, một bộ phận các bạn trẻ lại có xu hướng tận hưởng cuộc sống hiện tại hơn. Họ không ngại chi tiêu cho những trải nghiệm mới, sản phẩm công nghệ mới nhất hay các hoạt động giải trí, thay vì tích lũy cho tương lai. Tuy nhiên, lối sống này tiềm ẩn nguy cơ khiến nhiều bạn rơi vào bẫy tâm lý trì hoãn tiết kiệm. Họ chỉ ý thức được tầm quan trọng của việc dành dụm khi đã thanh toán hóa đơn và chỉ còn lại một ít tiền eo hẹp.
Lúc này Gen Z cần lập kế hoạch chi tiêu hợp lý, ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu và hạn chế tối đa các khoản chi tiêu không cần thiết. Bên cạnh đó, các chuyên gia tài chính cũng khuyến nghị rằng các bạn trẻ nên tận dụng nguồn thu nhập bổ sung như tiền thưởng, tiền tăng lương hay thăng chức để tiết kiệm và thực hiện các mục tiêu tài chính lớn hơn. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tiết kiệm vẫn đóng vị trí quan trọng giúp một người có thể tự tin đối mặt với những biến động bất ngờ của cuộc sống. Với quỹ tiết kiệm, bắt đầu sớm chừng nào thì hay chừng đó!
Tính cách, tài năng và sự linh hoạt là điểm nổi bật của Gen Z trong thời đại số hiện nay. Nhiều bạn trẻ thực sự gây ấn tượng với khả năng kiếm tiền tốt, thu nhập khủng từ ứng dụng kinh tế số. Tuy nhiên, với tâm lý chủ quan dựa dẫm vào sức khỏe và khả năng kiếm tiền của mình, đa số họ không có kế hoạch xây dựng quỹ khẩn cấp. Họ tin tưởng vào sức khỏe dẻo dai, khả năng thích ứng và nguồn lực dồi dào để tự mình giải quyết mọi vấn đề. Tâm lý vô tư và lạc quan này, tuy tích cực, đôi khi dẫn đến việc họ chủ quan, thiếu cảnh giác trước những rủi ro tài chính tiềm ẩn.
Thực tế, cuộc sống luôn ẩn chứa những biến động khó lường. Bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp,... có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính cá nhân. Việc thiếu đi quỹ dự phòng sẽ khiến chúng ta trở tay không kịp, dễ dàng rơi vào khủng hoảng và buộc phải đưa ra những lựa chọn vội vàng, thiếu sáng suốt. Do đó, xây dựng quỹ khẩn cấp không chỉ giúp họ cải thiện an ninh tài chính mà còn mang lại sự an tâm để đối diện với bất kỳ biến cố nào mà cuộc sống có thể mang lại.
Hãy nhớ rằng, "phòng bệnh hơn chữa bệnh", quỹ khẩn cấp không chỉ là một cái “phao cứu sinh” khi bạn gặp rắc rối về mặt tài chính, mà còn giúp bạn giữ vững tâm lý trong mọi tình huống. Việc đặt ra mục tiêu, chia ra các quỹ khác nhau như vậy sẽ giúp các bạn trẻ định hướng được những chi tiêu của mình sao cho hợp lý nhất. Nhưng song hành với việc đó thì các bạn trẻ cũng cần phải nghiêm chỉnh thực hiện nó, nói một cách khác là không để bản thân bị cám dỗ bởi “bẫy” xa hoa của xã hội.
Để đảm bảo việc bạn phải đối mặt với những tai nạn hay sự cố một cách không chuẩn bị trước thì bạn nên xây dựng nền tảng tài chính vững chắc là tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong vòng 3-6 tháng tới để mở quỹ khẩn cấp. Như vậy, những sự kiện bất ngờ cũng không thể gây hại quá nhiều đến cuộc sống của bạn.
Lần đầu bước chân vào thị trường, các nhà đầu tư cá nhân Gen Z non trẻ đều dễ vấp phải những vấn đề chung như chưa có kế hoạch rõ ràng, vướng bẫy FOMO, sốt ruột khi thấy lỗ. Điều này bắt nguồn từ việc giới trẻ có thể dễ dàng bắt đầu đầu tư khi tiếp cận dễ dàng với khối lượng thông tin khổng lồ từ nhiều nguồn trên không gian mạng. Tuy nhiên, mặt trái là đôi khi thông tin quá nhiều khiến họ “bị ngợp” không biết nên sử dụng thông tin nào, quyết định ra sao. Dẫn đến, một bộ phận nhỏ Gen Z trưởng thành biết nhiều về tài chính nhưng chỉ là bể nổi, không hiểu sâu, hiểu đủ và toàn diện.
Đầu tư mà không có kiến thức, không hiểu rõ thị trường chẳng khác nào mang tiền ném ra ngoài cửa sổ. Nghịch lý với hiện thực lỗ hổng kiến thức, giới trẻ thường có tâm lý muốn “đánh nhanh thắng nhanh” và "ăn xổi" để nhanh chóng thu lợi nhuận cao. Khi mới bước chân vào đường đua chứng khoán, nhiều bạn trẻ đã muốn thu lãi gấp 2 - 3 lần và tăng trưởng 30 - 50% so với số vốn ban đầu. Việc thiếu hiểu biết cộng với tâm lý gỡ gạc khiến nhiều bạn trẻ vung tiền không lý trí, thậm chí vay nợ để đầu tư, dẫn đến những hậu quả khó lường.
Đầu tư không phải là trò chơi may rủi. Nếu bạn nhảy vào mà không hiểu rõ về nó, thì cơ hội toang là cực kỳ cao. Hãy dành thời gian nghiên cứu, học hỏi kiến thức trước khi quyết định xuống tiền. Coi những khoản lỗ, những lỗi sai khi giao dịch và nghiên cứu thị trường như khoản “học phí” trên chính trường để từ đó rút kinh nghiệm cho những lần giao dịch sau này.
Các bạn trẻ hiện nay tung hô lối sống khao khát được thể hiện bản thân mình, phá bỏ những rào cản định kiến truyền thống hay quên đi những nỗi sợ hãi để chạy theo đam mê của mình trên con đường không rõ phương hướng. Ngoài ra, họ dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội và chạy theo mốt một cách mù quáng, bắt đầu coi những thứ xa xỉ phẩm từ lúc nào trở thành món đồ “must-have”, và cuộc đua “show-off” cứ thế mà nở rộ.
Newfeeds các mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok ngập tràn hình ảnh sống ảo, khiến giới trẻ cũng muốn sống xa hoa. Trên nhiều kênh YouTube, Tik Tok,… các influencer, tiktoker đăng tải những nội dung như “luxury bag haul” hay “unboxing hàng hiệu” đã thu hút hàng triệu view từ đó tạo ra một hình mẫu xa xỉ mà nhiều người trẻ theo đuổi. Điều này thúc đẩy một số người vay tiền để mua sắm hoặc du lịch, cố gắng theo kịp cho bằng bạn bằng bè mà không suy nghĩ đến hậu quả tài chính, cuối cùng dẫn đến tình trạng nợ nần chồng chất và gánh nặng lãi suất.
Do đó, thế hệ Z cần phải tỉnh táo trước những cám dỗ và quan niệm tiêu dùng sai lầm do mạng xã hội tạo ra, và học cách chi tiêu một cách thông minh, phù hợp với nhu cầu thực tế và khả năng tài chính của bản thân. Nên nhớ rằng “sống trong khả năng của mình mới là chất, còn sống trong chuỗi ngày nợ nần chồng chất thì đừng”.
Công ty cổ phần Digi Invest hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp giải pháp công nghệ tài chính. Với thế mạnh về công nghệ, quy trình minh bạch, phát triển an toàn và là đơn vị tiên phong về việc cung cấp các giải pháp công nghệ tài chính, Digi Invest luôn cố gắng để trở thành một tổ chức, đối tác vững vàng, đáng tin cậy với Nhà Đầu tư
Số giấy phép Đăng ký kinh doanh số 0109908632 cấp ngày 17/2/2022, cấp bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hà Nội
Số giấy phép đại lý phân phối chứng chỉ quỹ số 134/GCN-UBCK cấp ngày 21/6/2023, bởi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước